22 thg 2, 2010

Đồng hồ đếm ngược - Sự tích anh hai


Ngày xửa ngày xưa, thứ 7 ngày 09 tháng 7 năm 2006, bà ngoại và mấy dì của ba con về nhà mình chơi, tối đó mẹ con mình được dẫn đi ăn kem. Mẹ nghĩ, chắc là hôm nay ăn ly kem này xong là phải nhịn mấy tháng nữa mới được ăn lại đây. Sáng chủ nhật, bà nội con đưa mọi người ra sân bay. Ba chở mẹ đi ăn sang. Xong, ghé bệnh viện kiểm tra thử xem tình hình của con sao rồi. Nghe cô y tá nói « vỡ ối, nhập viện”, mẹ mừng gì đâu. Nhưng mẹ nằm hết một ngày trong bệnh viện mà không nghe đau bụng, không thấy dấu hiệu gì hết. Bác sĩ cứ đến thăm chừng hoài mà con vẫn không có dấu hiệu muốn ra. Chiều mẹ kêu ba chở mẹ về nhà tắm cho sạch (vì mẹ sợ sinh xong phải kiêng tắm lâu ngày). Ba con chở mẹ về nhà mà hồi hộp lắm, vì sợ con bị đẻ rớt. Vậy mà qua ngày thứ 2 cũng chưa thấy đau bụng hay dấu hiệu gì khác, đến 3 giờ chiều bác sĩ gọi mẹ vào phòng sanh để truyền dịch vì “sát ối”. Truyền dịch được chừng 5 phút thì mẹ bắt đầu đau bụng. Đau bụng từng chặp đến 8 giờ tối thì mẹ lo lắng, mẹ sợ đau, nên mẹ xin bác sĩ cho mẹ “sanh không đau”. Thật ra thì mẹ chịu được đau, nhưng nghe các bà mẹ sắp sanh khác kêu la kinh khủng quá nên mẹ sợ. Đến hơn 10 giờ đêm rồi mẹ và con vẫn giữ nguyên trạng thái, trong khi các bà mẹ khác nằm cùng phòng bắt đầu la hét và tiếng khóc “oa oa” bắt đầu vang lên. Cô y tá chích cho mẹ một mũi thuốc, nói là để mẹ sanh cho nhanh. Thuốc vừa chạy vào cơ thể là mẹ nghe tim đập mạnh và nhanh. Rồi mẹ nghe như đầu của con trườn xuống phía dưới, mỗi lần con nhúc nhích là mẹ nghe đau nhói, mặc dù đã được làm thủ thuật “gây tê màng cứng”. Đến 0 giờ 45 tất cả các đứa trẻ khác trong phòng sanh đều đã cất tiếng khóc, các cô y tá đến chỗ mẹ và yêu cầu “rặn”. Mẹ lấy hơi và rặn theo hướng dẫn của các cô ấy, mỗi lần mẹ rặn lại nghe cô y tá nói “thấy tóc em bé rồi, tiếp tục đi, cố lên”. Nhưng mẹ đâu có cố được nữa, hơi thở của mẹ ngắn, nên dù lấy hết hơi mẹ cũng chỉ rặn tới đó thôi. Làm đi làm lại nhiều lần vẫn y như vậy, sau 45 phút thì mẹ kiệt sức. Lúc này các cô y tá mới gọi bác sĩ đến và “ổng” quyết định dùng dụng cụ hỗ trợ để hút con ra. Con chào đời lúc 1 giờ 30 phút rạng sang ngày 11 tháng 7 năm 2006. Mẹ ngước nhìn con, mình mẩy đầy lông, ướt nhẹp và nhăn nhúm. Mẹ nghĩ thầm: sao giống con khỉ quá! Rồi mẹ kiệt sức, nằm bất động cho các cô y tá làm vệ sinh.
Sau đó cả hai mẹ con ta đều sạch sẽ. Cô y tá bồng con đến cho nằm bên cạnh mẹ và nói con cân nặng 3,6kg. Mới ra đời khoảng 30 phút mà vừa đưa bầu vú cho con là con ngậm lấy bú liền, chẳng cần ai dạy gì hết. Con tài thật!
5 ngày nằm ở bệnh viện ai cũng nói con là cậu bé khó chịu, vì con thường khóc và khóc rất to, to nhất trong phòng. Nhưng oan cho con lắm. Bởi con không chịu được máy lạnh. Lạnh quá con bị nghẹt mũi không bú được nên con khóc thôi, vì con có biết nói đâu. Những lúc tắt máy lạnh là con ngủ yên ngay. Nhưng phòng bệnh viện có nhiều người mà, mình tắt máy lạnh người khác đâu có chịu, bởi vậy mẹ phải làm cách khác để con khỏi nghẹt mũi. Dù rất đau, ngồi dậy rất khó khăn, mẹ cũng ráng ngồi dậy mỗi lần cho con bú, như vậy con sẽ đỡ nghẹt mũi.
Đêm đầu tiên về nhà ấm áp nên con ngủ rất ngon, không khóc một lần nào hết. Suốt một tháng “nằm ổ” ở nhà con cũng không khóc một lần nào. Hàng xóm đều ngạc nhiên. Ông nội còn đùa con, kêu con khóc cho ông nội nghe xem nào. Vì ông nghe nói ở trong bệnh viện con khóc lớn lắm mà sao từ lúc về nhà tới giờ chưa được nghe con khóc.
Con của mẹ rất ngoan, ngủ, bú, thức dậy chơi chút xíu lại bú rồi ngủ. Mẹ thường nằm nhìn con ngủ. Trong giấc ngủ, “mụ bà” dạy con cười, mếu rất đáng yêu. Cảm giác của mẹ là hạnh phúc không lời nào tả nổi.
Ra tháng, con được ra ngủ võng ở nhà trên. Thức dậy là nằm chơi trên ván, con không thích được ẳm. Ẳm con chừng 10 phút là con ngọ nguậy đòi xuống ván nằm. Con nằm chơi rất ngoan ngoãn. Con rất hay cười, hầu như cười suốt ngày. Chỉ cần nghe tiếng ai đó kêu một tiếng là con toét miệng cười. Con nhiều chuyện lắm. Mới có bằng ngón chân cái thôi mà ham nói chuyện quá chừng.
Lần đầu tiên con nằm trên ván chơi, bỗng đâu xe tải chạy ngang nhà bóp còi thật lớn, con giật mình khóc thét, còn mọi người thì cười. Ông nội nói, rốt cuộc cũng nghe được tiếng khóc của nó.
Lúc con được 1 tháng 10 ngày thì mẹ đi dạy học buổi tối. Cứ 7 giờ tối là để con ngủ trên võng cho bà nội và ông nội coi chừng. 9 giờ mẹ về ẳm con vô buồng ngủ cùng với mẹ. Rồi tự nhiên sữa mẹ ít dần đi, phải cho con bú dặm thêm sữa bình lúc con 2 tháng. Nhưng con khó chịu với cái bình sữa lắm. Con không chịu bú bình, mẹ với bà nội phải rình lúc con ngủ thật say mới lén lén đút bình sữa vào miệng con và con theo phản xạ tự nhiên nút vài cái, rồi con phát hiện ra núm vú nhựa, con nhả ra. Lại tiếp tục chờ con ngủ say và lén lén đút bình sữa… cứ như vậy, mỗi lần cho con bú bình là mất cả tiếng đồng hồ. Trong suốt quá trình rình rập và lén lút đó cái võng phải đong đưa suốt, không dám ngừng lại sợ con thức giấc, cho nên mẹ và bà nội phải đung đưa người theo võng với con. Khi con bú hết bình sữa là mọi người thở phào nhẹ nhỏm. Lúc con thức thì tuyệt đối không thể nào đưa bình sữa vào miệng con được, phải múc đổ từng muỗng, nhưng con cũng không uống bao nhiêu.
Con nít người ta hay quấy khóc ban đêm, bắt cha mẹ phải ẳm đi tới đi lui cả đêm. Còn con thì không có như vậy. Lúc con được 2 tháng tuổi thì con có thói quen thức dậy vào lúc 10 giờ đêm đến 2, 3 thậm chí là 4, 5 giờ sáng hôm sau. Suốt đêm như vậy con nằm chơi, không đòi ẳm, không quấy khóc, nhưng con cứ “oa, oe” đòi mẹ nói chuyện, nếu mẹ không nói thì con cự ngay. Nhưng nói hoài cả đêm mệt chết đi được, mà cũng đâu có biết nói gì với con nên mẹ kể chuyện cổ tích cho con nghe. Vậy mà con thích lắm, nằm im tròn xoe mắt nhìn miệng của mẹ như nuốt hết các câu chuyện của mẹ. Chỉ khổ một nỗi là suốt thời gian mấy tiếng đồng hồ mỗi đêm đó con thức nên mẹ không thể nào cho con bú. Sữa mẹ thì gần như cạn kiệt rồi, cho con ngậm vú một hồi con chán. Khi con đói bụng con không chịu ngủ lại, mà con không ngủ thì không thể nào cho con bú bình. Hai mẹ con cực khổ mỗi đêm như vậy đúng 1 tháng ròng rã.
Đến lúc con được 3 tháng thì phải đi chích ngừa, tối đó về con ngủ một mạch tới sáng, không thức dậy đòi mẹ kể chuyện nữa. Mẹ cứ nghĩ chắc tại chích ngừa về con mệt. Nhưng không, từ đó trở đi con không còn thức đêm nữa, đêm nào con cũng ngủ luôn tới sáng, mẹ chỉ việc thức dậy 2 tiếng 1 lần để pha sữa cho con bú thôi. Mọi thứ có vẻ đi vào nề nếp thuận lợi rồi.