12 thg 10, 2011

Tình anh em

Tình anh em... bắt đầu từ lúc nào nhỉ, có lẽ từ lúc Bin hiểu rằng, trong bụng mẹ có em bé, từ khi tận tay Bin cảm nhận được sự cử động của em trong bụng mẹ. Cũng từ lúc đó, mẹ đã gợi ý giúp để anh hai đặt cho em cái nickname dễ thương: Nhím
Mỗi tối, chừng 8h là mẹ và con trai lại leo lên gác, vừa xem tivi vừa nằm chơi với nhau sau một ngày xa cách Mẹ cho Bin sờ bụng, áp má vào bụng mẹ mỗi khi em cựa quậy để Bin cảm nhận được tình anh em. Dần dần bản năng làm anh trong con trỗi dậy lúc nào không hay... con thương em từ khi nó chưa chào đời. Tối tối, Bin hát cho em nghe. Bài Bắc Kim Thang là hát rành nhất thôi. Một câu háy yêu thích khác của con là "biết bao giờ mới được có em", theo cái nghĩa con hiểu chứ không phải theo kiểu chú Tuấn Hưng đâu nha. Mà lạ, mỗi lần anh hai hát là Nhím quậy tưng trong bụng làm anh hai thích lắm vì hát có người hưởng ứng mà. Hát chán, anh hai lại đem mấy con thú nhồi bông chất đầy lên bụng mẹ để cho em chơi
Em ra đời, anh hai có buồn... mẹ thấy rất rõ sự thay đổi của con... con nổi loạn để mong mọi người quan tâm đến mình, nhưng con vẫn rất thương em, không vụng trộm cấu véo em mà sờ nhè nhẹ và hôn cũng thật khẽ. Có một buổi tối con đứng trên gác, bám song cửa sổ nhìn vào trong phía giường mẹ và em "nằm ổ" mà hát nghêu ngao "biết bao giờ mới được có em", mẹ không chịu nổi mò ra thì con hét lên "mẹ ơi, con nhớ thương mẹ lắm, mẹ ẳm em lên ngủ với con đi"
Nhím lẫm đẫm biết đi... anh hai đang giành nhau món đồ chơi với cậu bé hàng xóm... Nhím 1 tay nắm chặt tay ông nội (để đi cho vững) kéo ông nội đi đến chỗ "chiến sự" đang diễn ra giơ tay còn lại đánh thằng bé kia, giơ chân đá nữa chứ... bênh anh mà.
Anh hai và chị Thúy giành nhau chai nước suối, Nhím nhìn thấy chạy ngay đến đánh túi bụi vào lưng "kẻ địch" của anh hai.
Lần khác, anh hai chơi đá banh với hàng xóm, Nhím đứng coi không yên, cũng lăng xăng chạy qua chạy lại nhặt banh mà không kịp các anh. May sao trái banh lăn ngay chân nàng, Nhím lập tức ôm lấy. Hàng xóm chạy đến giành lấy, Nhím giằng lại... hai bên đang co kéo thì anh hai chạy lại giằng lấy trái banh (hàng xóm lớn hơn Nhím 1 tuổi thôi, nên so với anh hai có là cái đinh gì). Mẹ nãy giờ vẫn đứng yên quan sát coi các con làm gì nhé, chưa can thiệp vội đâu. Mẹ cứ đinh ninh là anh hai giằng trái banh để chơi tiếp với hàng xóm. Ai dè, giằng được trái banh thì đưa luôn cho em gái và nói "em chơi đi, anh nghỉ chơi với thằng Thái luôn há"
Gần đây, mẹ cho hai anh em học chung trường cho tiện đưa đón. Thường ngày ông nội vẫn đi đón hai anh em. Bữa đó ông nội bận nên nhờ bà cô út đi đón giùm. Nhưng bà út không chở được hai anh em nên chỉ đón mình Nhím, để anh hai lại trường. Em Nhím một mực kêu bà út phải qua lớp anh hai đón anh hai cùng về. Nhưng không thể, nên cuối cùng chỉ một mình Nhím về với bà thôi. Vậy mà, lần sau bà út trở lại lớp Nhím để đón bạn Bo (con cô 7 của Nhím), em nhìn thấy bà liền chạy trốn. Em thà ở lại trường (không thích gì đâu) mà biết rằng anh mình đang ở lớp đối diện bên kia, chứ nhất quyết không theo bà về một mình. Có phước cùng hưởng có họa cùng chia anh hai nhỉ
Bữa tối, ba mẹ con đang ngồi chơi thì mẹ phải đi xuống dưới nhà, Nhím khóc đòi theo, anh hai dỗ nhẹ "nín đi em, có anh bên cạnh em nè" (câu này văn nói bình thường phải là "có anh ngồi kế bên em nè")
Vậy đó... tình anh em người ta thắm thiết không. Mẹ rất thích ngồi quan sát tụi con chơi với nhau. Có xung đột xảy ra mẹ cũng không vội can thiệp ngay, nhìn cách các con xử lý cũng hay lắm.
Lúc lên chức anh thì Bin mới hơn 2 tuổi, nhưng mẹ thấy "làm anh" khiến con trưởng thành lên rất nhiều

10 thg 10, 2011

Thư gửi con

Hôm nay mẹ nhặt được cái này trên internet, mẹ copy về đây để mai sau các con của mẹ biết đọc thì đọc. Mẹ muốn mượn lời của người ta để nhắn nhủ các con của mẹ, mà cũng để tự răn mình. Ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, ở bất cứ thời đại nào thì "nước mắt cũng chảy xuôi", nhưng phận làm con... cũng nên ngẫm lại một chút nhỉ

Cư dân mạng rớt nước mắt vì “Thư gửi con”

“Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ”.
Mấy ngày nay, trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn xôn xao bàn tán về một bức thư của cha mẹ gửi đến những đứa con thân yêu của mình. chúng tôi xin trích lại bức thư giản dị nhưng khiến những người làm con phải nhìn nhận lại chính mình.
 
“Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi... Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc... Xin con hãy bao dung!
 
Con hãy nhớ những ngày, giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.
 
"Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng, kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ"
Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ... mà hãy lắng nghe!
Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ... và bố mẹ đã làm vì con.
Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.
Con hãy nhớ... lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.
Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ thời gian để tìm hiểu.
Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều... từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.
Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói... hãy để bố mẹ đôi chút thời gian để suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi, đừng vì thế mà con bực mình mà tức giận... vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là được nhìn con, đưọc gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!
Nếu như bố mẹ không muốn ăn, đừng ép bố mẹ!... vì bố mẹ biết khi nào bố mẹ đói hay không.
Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa... hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.
Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng... bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.
Con đừng oán giận và buồn khổ... vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.
Hãy cố hiểu và chấp nhận, đến khi về già, sống mà không còn hữu ích cho xã hội mà chỉ là gánh nặng cho gia đình!... và sống chỉ là vỏn vẹn hai chữ "sinh tồn".
 
Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, với bao sai lầm ai chẳng vướng phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành.
Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước sự già nua của bố mẹ.
Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con tự khi lúc con chào đời.
Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều...
Hãy giúp bố mẹ trong phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại...
Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.
Thương con thật nhiều...
Bố mẹ..."
 
Theo Pierre Antoine (Việt kiều Pháp)
Vietnamnet